Connect with us

Người nổi tiếng

DIỄN VIÊN ĐIỆN ẢNH PHAN VĂN SÁNG - NGƯỜI ĐỨNG LÊN TỪ NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG

Diễn viên Phan Văn Sáng khi đó chỉ vừa tròn 2 tuổi. Anh đã mất đi sức mạnh đôi chân chỉ sau một cơn sốt cao dẫn đến bại liệt. Một đứa trẻ chưa biết sự đời đã phải chịu cảnh ngày đêm lạnh cứng và ê ẩm đôi chân. Anh không chỉ mất đi sự lành lặn, mà còn mất luôn cả nét hồn nhiên của tuổi còn thơ.

Cuộc sống ví như một bản nhạc, để rồi khi viết lên những giai điệu trầm  bỗng, thậm chí có những nốt lặng, ẩn chứa những khoảnh khắc vui buồn khó tả,  hoài niệm của cuộc đời mà đôi khi chính chúng ta cũng không cảm nhận được. Và rồi nó chính là hành trình với những cung bậc cảm xúc khôn lường, khiến con người ta vẫn luôn trăn trở về những khát vọng sống thật với bản thân mình, nhưng đôi khi cuộc sống lại quá nghiệt ngã đã khiến họ vô tình đi vào con đường không thể là chính mình. Để rồi khát vọng sống mạnh mẽ, vươn lên trong cuộc sống, nó chỉ là một ước mơ, hay hoài bão nhưng chưa từng dám chạm tới.

02a.jpg (173 KB)

03.jpg (67 KB)

Diễn Viên Điện Ảnh PHAN VĂN SÁNG

Phan Văn Sáng đến với cuộc đời này vào năm 1958, tại mảnh đất Sài Gòn, trong một gia đình tới tận 9 anh chị em. Anh thiếu vắng sự chăm sóc của bố, bởi ông là một người lính nhảy dù, thường xuyên phải góp mặt trên chiến trường khốc liệt. Mẹ anh trở thành người người trụ cột trong gia đình, lo toan mọi chuyện trong nhà. Vì quá bận rộn, bà đành giao cho một người giúp việc chăm sóc anh. Chính sự sơ suất của người giữ trẻ này đã mang đến một bi kịch to lớn trong cuộc đời của Diễn viên Phan Văn Sáng khi đó chỉ vừa tròn 2 tuổi. Anh đã mất đi sức mạnh đôi chân chỉ sau một cơn sốt cao dẫn đến bại liệt. Một đứa trẻ chưa biết sự đời đã phải chịu cảnh ngày đêm lạnh cứng và ê ẩm đôi chân. Anh không chỉ mất đi sự lành lặn, mà còn mất luôn cả nét hồn nhiên của tuổi còn thơ. Đôi mắt ngày đó luôn chứa đựng sự u buồn khi nhìn anh chị em mình chạy nhảy hay nhớ lại những ngày được vui đùa cùng bạn bè làng trên xóm dưới.

May mắn thay, anh vẫn còn có mẹ luôn bên cạnh yêu thương, chăm sóc anh, truyền hơi ấm vào đôi chân trong những ngày nó lạnh “tới tận xương”. Bà động viên con phải biết vượt qua. Thấy được sự lo lắng và khổ tâm của người mẹ qua những giọt nước mắt ân hận, âm thầm trong đêm tối đã khiến Phan Văn Sáng mạnh mẽ hơn, cố gắng chập chững từng bước chân. Anh như một đứa trẻ mới biết đi lần đầu, nhưng bên trong anh lại là một nội lực phi thường mà không phải người trưởng thành nào cũng dễ dàng có được. Anh nén cơn đau, vượt qua sự khó khăn, bất tiện vì không muốn bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình. Và rồi, “trời không phụ lòng người”, sau bao sự nỗ lực, anh đã có thể tự bước đi trên đôi chân yếu ớt. Ngày hôm đó, chính anh đã mang lại niềm vui và tiếng cười cho gia đình của mình.

Dù là một người khiếm khuyết, nhưng anh lại rất ham học và ao ước được đến trường. Nhưng ước mơ đó đã khó thành hiện thực khi gia đình anh gặp  nhiều khó khăn vì chạy chữa cho anh trong thời gian dài. Phan Văn Sáng đành ngậm ngùi đứng ngoài cửa lớp, học lỏm những con chữ từ các tu sĩ tại nhà dòng. Anh không ngại khó khăn, khổ cực, chỉ mong rằng mình sẽ có được thật nhiều kiến thức. Điều này thể hiện ở chổ anh cặm cụi may vá từng miếng giấy rời được xé từ những cuốn vở cũ của bè bạn. Từng đường kim mũi chỉ đã nối kết cho ước mơ được tiếp tục học tập của Phan Văn Sáng. Chính sự hiếu học, kiên cường, không ngại gian truân của anh đã chạm tới trái tim của các nữ tu sĩ, và quyết định cho anh theo học trong nhà dòng tại 215 đường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM (nay là Trung tâm bảo trợ Dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật TPHCM)

Cuộc sống gia đình dần ổn định hơn bởi bố của anh bắt đầu làm việc cho Đại sứ quán Mỹ sau khi trở về từ quân ngũ. Nhưng đã quen tính tự lập từ những ngày còn nhỏ cũng như được học điều đó từ các nữ tu, anh muốn tự nuôi sống bản thân, góp sức mình để phụ giúp gia đình. Cho dù bố của anh có can ngăn, Phan Văn Sáng quyết định bỏ những con chữ để đăng ký theo học nghề sửa chữa điện tử tại một trường dành cho người khuyết tật tại Thủ Đức. Với khả năng và hiểu biết chút ít về lĩnh vực này nên anh đã được nhận và chỉ vỏn vẹn sau vài tháng, tay nghề của anh đã thành thạo hơn, ngày một phát triển, được các thầy cô khen ngợi. Không những thế, anh còn nhận được lời mời vào làm việc tại một công ty điện tử nước ngoài sau khi tốt nghiệp.

04.jpg (106 KB)

03a.jpg (138 KB)

PHAN VĂN SÁNG

Đúng 9 tháng kể từ khi nhập học, sau bao nhiêu sự miệt mài rèn luyện, anh đã được ra trường. Cuộc đời của anh tưởng chừng như bắt đầu tươi sáng với tay nghề vững chắc cùng một công việc đầy hứa hẹn ở phía trước. Nhưng ông trời dường như muốn thử thách thêm ý chí của chàng trai kém may mắn này thêm nữa, khi anh bị mất việc do công ty ấy gặp một số vấn đề phải quay về nước. Phan Văn Sáng lại một lần nữa rơi vào cảnh thất bại trên đường đời, anh không dám trở về nhà do quá thất vọng về bản thân mình.  Từ đó, anh quyết định thoát khỏi vòng tay an toàn của gia đình. Phan Văn Sáng tự tìm chỗ thuê nhà, và nhận những công việc sửa tivi, radio – nghề mà anh đã học được trong trường để kiếm tiền, bươn trải từng ngày, cuộc sống tự lập thiếu thốn trăm bề. Kể từ khi anh ra đi khỏi gia đình,  mẹ của anh luôn nhớ thương, lo lắng, âm thầm làm đồ ăn rồi tìm đến đưa cho anh, bà luôn khuyên lơn và mong mỏi con trai từng ngày. Vì sự nghĩa tình của mẹ, anh bỏ qua sự tự ái của bản thân để quay trở về nhà. Người đàn ông khiếm khuyết nhưng ham học hỏi này quyết định trau dồi thêm kiến thức về sửa chữa điện nước ròi tự thiết kế, lắp đặt đường dây cho mọi người dù bản thân gặp rất nhiều sự bất tiện trong di chuyển.

Là một người gặp nhiều sóng gió phong ba trong cuộc đời, người đàn ông có đôi chân yếu ớt nhưng mạnh mẽ về nghị lực, luôn chấp nhận và vượt qua nghịch cảnh. Không những thế, Phan Văn Sáng còn có sự chân thành và nhiệt huyết trong công việc. Trong một lần tình cờ, anh đến giúp sữa chữa điện nước cho nhà văn Nguyễn Hồ, vừa mới chuyển đến gần nhà của anh. Một cơ duyên lớn đã tạo ra sự thay đổi trong cuộc đời của Phan Văn Sáng. Chính sự nghiêm túc, nhiệt tình trong công việc, không nề hà thời gian cùng sự chân chất, lạc quan và nội lực phi thường của anh đã chiếm trọn sự yêu mến của người hàng xóm - nhà văn Nguyễn Hồ. Anh là nguồn cảm hứng để nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Hồ viết ra câu chuyện Chim Phóng Sinh để triển khai thành một bộ phim do Đạo diễn Quang Đại thực hiện.

Một cơ hội được thể hiện bản thân và thay đổi cuộc đời đang ở ngay trước mắt Phan Văn Sáng khi anh được Biên kịch Nguyễn Hồ đề cử, khích lệ và Đạo diễn Quang Đại đã chọn anh vào vai nam chính. Bởi họ tin tưởng rằng chỉ có nghị lực sống mạnh mẽ của anh mới làm cho nhân vật “Chơn” của Chim Phóng Sinh sống động và chân thật nhất có thể. Phan Văn Sáng đồng ý nhận vai và ra sức trau dồi học hỏi diễn xuất từ mọi người, đặc biệt là từ người bạn diễn Thúy Loan và Giám đốc hình ảnh Đào Anh Dũng, đã hổ trợ hết mình cho anh trong việc diễn xuất tại phim trường. Nhưng diễn viên không phải nghề mà ngày một ngày hai có thể thành thạo được. Đối với người bình thường đã khó, nhưng với anh – một người tay ngang có đôi chân không lành lặn, khập khiễng bước vào nghề thì công việc đó còn trăm bề vất vả hơn. Sự lúng túng trong việc nhớ thoại và cả cách diễn đã đôi lúc làm anh muốn bỏ cuộc. Nhưng anh biết rõ, để có được cơ hội “vàng” như thế trong đời là điều không dễ dàng. Mỗi lần nản lòng, anh nhớ lại những lời động viên, ủng hộ của những người bạn bè đồng cảnh ngộ với mình. Bởi anh chính là niềm hy vọng và là người đại diện để minh chứng rằng họ là những người có tật nhưng không tàn, có thể làm được mọi thứ như những người bình thường khác. Và đó chính là động lực, tiếp thêm nhiều sức mạnh và sự quyết tâm để Phan Văn Sáng hoàn hành vai diễn một cách trọn vẹn. Trong một lần quay phim, anh thực hiện một cảnh quay cứu người dưới nước nguy hiểm mà không có người đóng thế. Anh vô tình giẫm vào miếng thủy tinh làm đôi chân bị đổ máu rất nhiều. Nhưng vì không muốn làm gián đoạn công việc và trọng trách được giao phó, anh cố cắn răng chịu đựng cơn đau để tiếp tục quay phim. Sau đó anh được đưa tới bệnh viện, nếu chậm trễ dù chỉ là một chút thời gian nữa thôi, anh có thể mất đi đôi chân của mình. Chỉ vọn vẹn 15 ngày quay ngắn ngủi, nhưng đối với anh, đó là một hành trình dài, gian nan và đáng nhớ nhất trong đời.

Những sự hy sinh và nỗ lực kiên cường của Phan Văn Sáng đã được đền đáp xứng đáng khi Chim phóng sinh ra đời, đã tạo được tiếng vang vượt xa hơn  cả mong đợi, mang về cho anh sự danh tiếng và nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực phim ảnh Việt. Cũng từ sau sự thành công của bộ phim, mà cha mẹ anh ngày càng tự hào, an tâm hơn về những bước đường sau này của người con trai kém may mắn. Mọi người cũng ngày càng biết về câu chuyện cuộc đời anh, họ đồng cảm, khâm phục và thêm yêu mến người Diễn viên điện ảnh Phan Văn Sáng. Vai diễn “Chơn” đã đem về cho anh huy chương vàng diễn viên xuất sắc ở Kỳ Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 1998, làm cho anh vô cùng xúc động và cảm giác khó tả. Lần đầu tiên, anh hạnh phúc, tự hào về bản thân sau bao nhiêu sự cố gắng, kiên cường vượt qua sóng gió gian truân của cuộc đời.

05.jpg (87 KB)

06.jpg (126 KB)

07.jpg (160 KB)

07a.jpg (177 KB)

07b.jpg (211 KB)

07c.jpg (33 KB)

Diễn Viên Điện Ảnh THUÝ LOAN & PHAN VĂN SÁNG - Trong Phim CHIM PHÓNG SINH

Sau bộ phim Chim Phóng Sinh, Diễn viên điện ảnh Phan Văn Sáng còn góp mặt trong hàng loạt những bộ phim khác như: "Trùng quang tâm sử", "Hẻm sâu", "Tài tử nghiệp dư", "Bến mơ", "Cá lên bờ"… Và anh chính là người Diễn viên khuyết tật hăng say đóng phim nhiều nhất trong làng Điện ảnh Việt. Anh luôn trân trọng từng cơ hội được mời và hết mình với vai diễn đó. Về sau, anh phải đối mặt với căn bệnh quái ác ung thư đại tràng. Chỉ vừa mới phẫu thuật xong, Phan Văn Sáng đã nhận lời đóng bộ phim Cá lên bờ của Đạo diễn Trương Dũng. Vào vai “Hai liệt” phải lăn lộn ở vùng sông nước hàng tháng trời, đánh nhau với cả mấy tên giang hồ cùng nhiều hành động khó nhằn khác. Anh gắng chịu, nén cơn đau vào trong bằng những viên thuốc với liều lượng gấp 5,6 lần bác sĩ cho phép một ngày, chỉ mong có thể hoàn thành được vai diễn một cách trọn vẹn. Phan Văn Sáng luôn đầm đìa mồ hôi khi hóa trang, vì thế anh luôn cảm ơn các nhân viên trang điểm và anh em trong đoàn phim, họ phải chăm sóc, lau mồ hôi cho anh thường xuyên. Anh không dám chia sẻ căn bệnh cùng ai, sợ mọi người lo lắng không cho mình tiếp tục nhận vai nữa. Đôi lúc anh không thể nói tốt lời thoại do ảnh hưởng bởi sự hành hạ của căn bệnh, bị những người đàn anh trong nghề phê bình, nhưng anh vẫn giữ bí mật cho đến khi bộ phim đóng máy. Ai trong đoàn cũng đều trách anh quá chủ quan với tính mạng của mình. Nhưng qua đó, họ cảm nhận được sự nhiệt huyết, hết mình với nghề và thêm khâm phục Phan Văn Sáng. Không những trong hoạt động diễn xuất, người Diễn viên khiếm khuyết đôi chân còn tận tâm với những số phận có cùng hoàn cảnh với mình. Hằng năm, anh đều tổ chức Ngày hội trẻ em khuyết tật và các hội thao cho những người anh em. Diễn viên Phan Văn Sáng tham gia nhiều phòng trào cho người khuyết tật với một niềm hy vọng rằng: Tôi mong muốn góp phần sức nhỏ nhoi cùng với nghị lực vượt khó của mình sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh cho những ai cùng cảnh ngộ có thêm niềm tin vào cuộc sống, vào bản thân và xã hội, để lạc quan bước tiếp trên cuộc hành trình đầy gian nan này”. Có thể thấy rằng, không chỉ là người có nội lực mạnh mẽ, sự nhiệt huyết với công việc, Phan Văn Sáng còn là người có tấm lòng, biết san sẻ, mặc dù sống trong danh vọng và bận rộn với phim ảnh, nhưng anh vẫn không quên giúp đỡ anh chị em đồng cảnh khó khăn như mình.

Nỗ lực hết mình giúp đỡ người khác, nhưng đến ngày hôm nay, Phan Văn Sáng vẫn gặp nhiều chật vật trong cuộc sống, khi anh không còn nhiều cơ hội diễn xuất trên màn ảnh do đôi chân vẫn là điểm bất lợi nhất của anh. Cũng đã gần bước qua “thất thập cổ lai hy”, anh đã không còn tràn trề sức khỏe như tuổi đôi mươi, để có thể kiếm một công việc lao động trang trải qua ngày. Không những thế, anh vẫn sống lẻ bóng cô đơn, ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư. May mắn anh vẫn được bạn bè giúp đỡ để vượt qua những lúc bạo bệnh. Nội lực bên trong Phan Văn Sáng vẫn mạnh mẽ như ngày nào, anh lạc quan nhắc về căn bệnh đó như một người đồng hành, cùng nhau bon bon trên chiếc xe ba bánh thân thuộc trên hành trình chia sẻ với những người kém may mắn khác.

08.jpg (167 KB)

08a.jpg (204 KB)

09.jpg (115 KB)

Diễn Viên Điện Ảnh PHAN VĂN SÁNG

Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng và suôn sẻ. Chắc chắn sẽ có những chướng ngại vật, những gian nan đang chờ chúng ta ở phía trước. Và cuộc đời của Diễn viên Phan Văn Sáng cũng không ngoại lệ khi đã thử thách anh từ những ngày con thơ cho tới tận bây giờ, từ căn bệnh sốt bại liệt khiến anh mất đi sức mạnh đôi chân và rồi tới căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng anh không đầu hàng số phận, vẫn luôn nỗ lực sống hết mình để học tập và làm việc, kể cả là sửa chữa điện hay diễn xuất, anh đều tận dụng mọi cơ hội không chỉ để kiếm sống mà còn chứng minh rằng họ “tật” nhưng không “tàn”. Hơn nữa, anh còn tất bật với các hoạt động xã hội dành cho người khuyết tật. Diễn viên Phan Văn Sáng quả thực là một NGƯỜI ĐỨNG LÊN TỪ NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG, sức mạnh ấy không chỉ giúp anh vươn lên mà còn lan tỏa đến người khác. Chúng tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ sự kiên cường của anh qua những lời chia sẻ đầy cảm xúc. Chúc anh luôn dồi dào sức khỏe, sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp và may mắn hơn trong tương lai. Xin chân thành cảm ơn Diễn viên điện ảnh Phan Văn Sáng.

BỨC TƯỜNG NGHỆ SĨ

Tin khác